Đường vô lộ

Con đường đi đến đạo là con đường không có lối. Người nào cố gắng chỉ cho bạn con đường thì đó là người không biết đạo bởi người biết sẽ biết đạo là con đường vô lộ, không thể chỉ ra được. Nó chỉ có thể nhận ra, bởi các bạn chính là con đường, chính là mục tiêu. Bạn là người tìm kiếm và bạn cũng chính là mục tiêu tìm kiếm. Bạn đi tìm chính người tìm kiếm vậy thì không có gì để tìm kiếm, nó sẽ dẫn tới con đường cụt và bạn phải có bước nhảy để ra khỏi con đường đó. Và bạn cần có tính đệ tử để có thể học, bởi nếu có tính đệ tử, kể cả thầy sai bạn cũng có thể học được.

Đường đạo như chim bay trên trời, như vẽ một đường trên mặt nước. Vì thế mà đạo mãi là bí ẩn, mãi là mới. Khi bạn gần gũi một người biết đạo, bạn sẽ có cảm nhận khác. Đạo ở trong mình. Khi bạn biết điều đó thì bạn bắt đầu giao cảm với điều linh thiêng. Khi bạn không biết thì đạo chỉ ở mức thấp nhất đủ duy trì cho cuộc sống của bạn. Còn khi bạn biết đạo thì bạn sống ở mức tối đa, bạn thừa thãi tới mức bạn bắt đầu chia sẻ với người xung quanh. Với con mắt đạo, bạn thấy vạn vật đều sáng tỏ, xuyên thấu, có thể nhìn thấy bản thể, bản tính của mọi người và mọi vật, không có gì che được bạn.

Đạo là đường vô lộ, nó là bí ẩn nhưng lại hiển nhiên, chỉ thiếu con mắt để nhìn, thiếu ý thức để nhận ra. Vị thầy là người biết đạo sẽ tạo ra phương cách, tạo ra con đường và giúp đệ tử, đẩy họ vào vực thẳm để nếu đệ tử là đại bàng, họ sẽ tự bay. Đó chỉ là phương cách, không phải là con đường rõ ràng. Lý do đơn giản là đạo bao giờ cũng ở trung tâm, trung tâm của tất cả, của mặt trời, mặt trăng, sóng, biển, trung tâm của chính chúng ta. Tâm là trung tâm nên không có cách nào đi đến mà chỉ có thể nhận ra, khi nhận ra trung tâm của chính mình bạn sẽ biết đạo là gì. Không có bất cứ cách nào đến, có một cách là bạn di chuyển ra ngoài và học để thấy cái này không phải là trung tâm, cái kia không phải là trung tâm rồi nhận ra mọi thứ chúng ta đã biết, đang biết và sẽ biết đều không phải, mọi tri thức chúng ta học đều không phải là chúng ta, chúng ta cứ phủ định hết, chúng ta không phải thân thể, không phải suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc, không phải bản ngã, tất cả chúng đều ở bên ngoài. Tại sao chúng ta nhận ra bản ngã bởi chúng ta không phải nó, nó không phải là trung tâm thực.

Có một cách khác là chúng ta khao khát mãnh liệt đến mức dám buông tất cả, buông mọi sự dính mắc thì chúng ta rơi vào như rơi vào vực thẳm, nhảy vào trung tâm, điều này là không thể nói được, phải đúng thời điểm, nếu nói là lỡ, bạn vui sướng, phúc lạc không thể tưởng tượng được, bạn rơi vào trung tâm. Mọi thứ vỏ bọc bên ngoài của bạn rơi xuống. Thế thì không có con đường nhưng có phương cách hiểu biết. Nếu bạn sống mãnh liệt khao khát, như bạn kiếm tiền rồi hiểu nó không mang lại hạnh phúc, vậy bạn sẽ nhìn với con mắt khác, coi nó chỉ là phương tiện, không phải mục tiêu, khao khát, và có lẽ khi đó bạn sẽ thoải mái nhất và lại kiếm được nhiều tiền. Tiền chỉ là hệ quả, phương tiện, không phải mục đích. Bạn thử chơi với sự nổi tiếng, danh vọng… rồi bạn nhận nó không làm cho bạn vui nữa. Rồi bạn nhận ra người xung quanh, những người tung hô bạn không chân thành thì dù cả nghìn người cũng không có ý nghĩa gì. Rồi bạn hiểu đó là trò chơi rồi bạn đặt xuống và chơi trò chơi khác. Tình ái cũng vậy, chơi rồi lại đặt xuống, không dính mắc, đó không phải vứt bỏ, tránh nó với sự kìm nén. Với người không biết đạo thì thường sợ, bảo cái này tốt, cái kia xấu rồi chọn lựa, trốn tránh. Không dính mắc là hiểu biết rồi sẽ tự buông. Những dính mắc làm bạn ra khỏi chính mình, đi ra ngoài, còn ngược là lại là đi vào đường đạo. Buông bỏ thì bạn ra khỏi dính mắc. Không có cách nào đi vào trong trừ khi bạn không thể đi ra ngoài. Mà càng ra ngoài càng khổ.

Con đường đạo là phải đạt đến điểm mà sự dính líu với bên ngoài là không thể, không đáng rồi chúng ta trôi tuột vào trung tâm, lần đầu tiên chúng ta đi vào không gian thuần khiết. Khi chúng ta dừng tìm kiếm, bỏ tìm kiếm thì nhận ra cái được tìm kiếm chính là người tìm kiếm. Nhưng chúng ta phải đi tìm kiếm, phải vỡ mộng như con cá lên bờ sắp chết cố trườn về đại dương rồi nhận ra nó đã từng ở đây. Chúng ta biến đổi bởi đã có trải nghiệm sinh tử, trải nghiệm mang tính sống còn. Nhưng đòi hỏi một sự dũng cảm rất lớn, dám buông bỏ tất cả những gì không phải là chúng ta. Lúc đó, chúng ta rơi vào trung tâm của mình, và muốn khổ cũng không được. Con cá lên bờ tưởng là thiên đường rồi hóa ra đó là địa ngục, khi nó trở về lại đại dương và hạnh phúc thế, nó đã biết nó cần đại dương thế nào.

Chính khổ đau mới giúp bạn tìm bản thể, trung tâm của mình. Vì nó quá gần nên chúng ta phải di chuyển ra ngoài để tìm, rồi cho tới khi tìm mãi không thấy rồi đột nhiên chúng ta nhận ra nó ở bên trong, vậy làm gì có con đường.

Có một câu chuyện kể về một cụ già biết đạo. Cụ ra ngoài đường tìm cái kim, mọi người đổ xô ra giúp bà cụ tìm kim, mọi người tìm mãi rồi hỏi bà đánh mất ở đâu, bà nói mình đánh mất trong nhà. Họ mới hỏi sao bà đi ra đường để tìm, bà trả lời, vì có trăng sáng, trong nhà thì tối. Rồi bà bảo các bạn cũng thế, các bạn đánh mất cái bên trong nhưng cứ tìm bên ngoài. Mọi người nếu không mất cả tiếng đồng hồ tìm kiếm cũng không thể hiểu ngụ ý của bà lão. Chúng ta cũng vậy, cứ đi tìm kiếm, thật mãnh liệt, rồi đến lúc bạn nghe thấy lời nhắc nhở hãy nhìn vào trong. Khi bạn tuyệt vọng, vỡ mộng thì mới nhìn vào trong. Rồi lúc đó bạn sẽ có thoáng nhìn và bạn không còn lạc lối, không còn tìm cái ảo tưởng nữa.

Con người không thể sống thiếu linh hồn nhưng lại không thể nhận ra linh hồn là gì. Nói không khí là linh hồn thì bạn có hiểu, có cảm nhận được không? Nhưng khi bịt mũi, ngạt thở thì bạn sẽ thấy. Chúng ta đang có thứ quý giá như kim cương nhưng nếu không biết nó là gì chúng ta cũng coi nó như hòn sỏi, bạn không đi tìm kiếm, không hiểu đó là cái vĩnh hằng, cái tồn tại mãi mãi. Có những cuộc chơi làm bạn quên mất, dính chặt vào nó, coi cái này là thành công, cái kia là hạnh phúc, những tờ báo lá cải, phương tiện thông tin làm cho bạn ngủ sâu hơn với những khái niệm, định nghĩa về hạnh phúc tự đặt ra.

Cái bạn cần tìm nhất là chính mình. Bạn hãy thử ở lại một mình xem, nỗi cô đơn sợ chết sẽ ập đến mà bạn chỉ muốn thoát ra, những lúc ốm nặng hay cái chết cận kề bạn mới thực sự muốn sống, muốn sự bất tử. Tại sao lúc nguy cấp bạn mới nhận ra điều đó? Đó là sự khác nhau giữa người có duyên tìm đạo và người không. Đó chỉ là bản năng, không phải sự thông minh. Người thông minh sẽ tìm kiếm khi thân thể này còn đang khỏe mạnh.

Có bao giờ chúng ta có ý thức với cuộc sống của mình. Chúng ta chỉ cần hiểu thì chúng ta đã đi tìm kiếm. Hạnh phúc là sự trải nghiệm cá nhân, không ai giống ai và không thể xếp loại so sánh. Chỉ người biết đạo mới có hạnh phúc thực sự, còn cái mà chúng ta đang biết thì không phải hạnh phúc thực sự bởi đó chỉ là định nghĩa bởi những người chưa biết đạo, trong sự so sánh. Khi chúng ta chưa biết chính mình thì mọi cái chúng ta có chỉ là trò chơi trẻ con. Chúng ta không phải là cái tên, quan điểm, cảm giác, nếu chúng ta là thân thể thì khi thân thể biến mất, chúng ta cũng biến mất sao? Nhưng thực ra chúng ta đang là thân thể nên nỗi sợ chết lớn thế. Mọi ham muốn đều là sinh ra từ nỗi sợ, bởi chúng ta đang ở ngoài vì chúng ta đồng nhất với thân thể, tâm trí… Chúng ta không có trung tâm. Còn nếu có trung tâm thì chúng ta sẽ tận hưởng mọi thứ, chúng ta nhìn mà biết mình không phải mắt, nghe mà biết mình không phải tai. Chúng ta nhận ra mình là cái đằng sau, là cái gì gần với ánh sáng, như cái gương, mọi thứ phản xạ trung thực, không có so sánh. Còn giờ chúng ta đang can thiệp thô bạo vào vạn vật, con người, chúng ta so sánh, nhận xét, khen chê. Mọi vật hoàn hảo phản xạ trong chúng ta mà chúng ta cứ sống với ảo tưởng, lôi kinh nghiệm quá khứ ra để sống. Quá khứ nối tương lai là chất liệu mơ. Cái gì đang hiện hữu có đó mà chúng ta không có đó, cái khao khát được hiện diện là đúng nhưng cách thức lại sai. Bởi chúng ta lấy trung tâm sai bên ngoài, nhìn bông hoa và nhận xét thì chúng ta là bông hoa, chúng ta thành nô lệ vĩ đại cho những gì yêu thích say đắm nhất, nhưng giờ nô lệ lại được cả xã hội tôn sùng, nhiều người tung hô. Cái dốt được tôn sùng còn sự thật, chân lý lại là nỗi sợ.

Một người không nghĩ thì như cái gương, khi bắt đầu nghĩ thì suy nghĩ chạy xung quanh đầu, khi đó bạn bắt đầu tiếp năng lượng cho nó, suy nghĩ được hâm nóng lên. Bạn giống như cỗ máy sinh học, như bánh xe tạo ma sát trên đường không tạo ra niềm vui đích thực, nó nhợt nhạt. Khi bạn biết trung tâm của mình bạn không thể yêu thích những thứ vô thường. Chúng ta là thường nên chỉ biết về cái vô thường, chúng ta là nó nên rất khó biết cái thường, để biết ta phải tách rời mới nhận thấy, cái vô thường không thể tồn tại mà không có cái thường. Như sóng là vô thường không thể thiếu biển là thường. Linh hồn có thể sống thiếu thân thể nhưng thân thể không thể thiếu linh hồn. Bạn thử bỏ tất cả đi, những công việc bận rộn của bạn thì còn lại là nỗi sợ chết. Nếu sống mãnh liệt chúng ta sẽ đến được những điểm cực điểm, và chúng ta chẳng sợ gì ngoài sợ chết, nhưng cứ che đậy tránh nó mà không dám nhìn thẳng và đi ra ngoài nó.

Các vị thầy zen thường tạo ra những hoàn cảnh để đệ tử có thể nhận ra. Như cho đệ tử của họ trèo lên cái cột 100m rồi bảo trèo tiếp hoặc nhảy ra. Tâm trí, bản ngã là có giới hạn. Người ta vẽ đường cũng chỉ là phương cách nhưng phải tạo ra đường cụt. Cái cần tìm có ở trong mọi vật nhưng ngay cả trong bạn mà bạn còn không thấy thì làm sao bạn có thể nhìn thấy nó trong cái cây, trong bông hoa… Cách dễ nhất là hãy tìm bên trong chúng ta rồi chúng ta sẽ thấy nó ở khắp nơi. Nhục nhãn được cấu tạo để nhìn ra ngoài, vậy cứ nhìn hết mức đi cho đến khi bạn chán, còn nếu chưa chán thì vẫn chỉ là lý luận con đà điều. Nó tự lừa mình bằng cách rúc đầu vào cát khi kẻ thù đến.

Chúng ta phải trải nghiệm để hiểu kết cục nó đi đến đâu, giấc mơ sẽ đến đâu, chúng ta đạt được giấc mơ rồi vẫn không thỏa mãn. Con đường bên ngoài không phải không có ích để chúng ta nhận ra, dù nó không dẫn tới chân lý, nó chỉ dẫn bạn tới vỡ mộng. Điều này là có ích đối với người rất thông minh. Chúng ta đặt ra giấc mơ cả nghìn lần nhưng không ai bảo ta là giấc mơ sẽ chẳng đi tới đâu chỉ tới khi bạn vỡ mộng, bạn sẽ chán giấc mơ. Không ai có thể thể tự lừa được chính mình.

Ai cũng biết bản ngã là xấu xa, giả dối nhưng lại không dám từ bỏ. Khi bạn nhận ra sự dối trá của nó thì bạn đã khác, và nhận ra có cái gì đó đang nhận ra sự dối trá, và bạn bắt đầu cười chính mình, cười vào vở kịch của chính mình. Cả nghìn kiếp bạn đã tự lừa chính mình. Chỉ khi vở kịch hạ màn bạn mới nhận ra đó là vở kịch. Bạn cứ nói ra rồi lại ân hận, làm rồi ân hận, cứ phải che đậy, giả vờ. Nhưng cứ chú ý đừng sợ nó, bản ngã là đối thể tuyệt vời để quan sát. Nếu không có bản ngã thì ai cũng thành Phật cả. Lúc đầu bạn phải có bản ngã rồi bạn mới vô ngã được. Bản ngã là viên kim cương bọc bùn bên ngoài, một khi gột sạch nhìn vào nó, tính kim cương sáng chói và bùn tan biến. Một ngày bản ngã rơi xuống thì mọc lên hạt mầm Phật. Đó là cái tu tốt nhất, cái mà bạn quý nhất – bản ngã, cái quý nhất phải được dùng, nó phải chết, rồi linh hồn tái sinh ngay lập tức. Mọi thế giới xung quanh đều là trò chơi bản ngã cả. Bạn chơi với nó một rồi một lúc nào đó nhận ra nó chỉ là giả. Quan sát nó sâu sắc rồi không thấy bản ngã đâu, chỉ thấy trống rỗng. Hãy thử đi bạn sẽ thấy khác. Đó là cách yêu thương, bản ngã là kẻ thù, là rào cản chính mình, bạn là rào cản của chính mình.

Cả thế giới là người tự kỷ, chúng ta vẫn đang nói chuyện với chính mình, không hề nói chuyện với ai khác. Chúng ta đang phóng chiếu mình vào người khác, người khác phóng chiếu họ vào chúng ta. Nếu thừa nhận vậy, chúng ta sẽ sống khác, sẽ biết nói chuyện với chính mình, nói chuyện với bản ngã, rồi sẽ có khoảng hở. Cho phép bản ngã thì suy nghĩ lại không tới nhiều như trước. Rồi nó biến mất, chỉ còn lại không gian trống rỗng, biến mất như chưa bao giờ tồn tại, nó là cái bóng của bạn. Với Linh hồn thì suy nghĩ là vật cản. Khi chúng ta không có ý thức thì suy nghĩ đến còn khi có ý thức thì suy nghĩ không đến. Nếu bạn biết điều đó, bạn sẽ dành thời gian nói chuyện với mình nhiều hơn nói chuyện với người khác. Dần dần, bạn thấy người khác không thể nghe được bạn bởi suy nghĩ của chính họ nghe còn chưa hết.

Tâm trí bạn như một đứa trẻ chưa bao giờ được lắng nghe. Hãy yêu quí chính mình. Một bộ tộc hoang dã thì người trong đó không có ai mơ cả. Chúng ta văn minh hơn nhưng chúng ta đã đánh đổi toàn bộ cái bên trong lấy cái bên ngoài, đó là giá quá đắt, nó thành sự điên khùng nhưng lại giúp chúng ta là tự kỷ. Khi nhận ra được bản ngã, cách thức vận hành, khao khát của nó, nó như một đứa trẻ rất muốn được lắng nghe. Lúc đó suy nghĩ cũng như sóng biển, nhìn nó xuất hiện rồi lại đi, cũng thú vị nhưng suy nghĩ phải gặp biển, gặp cái không thì thú vị còn suy nghĩ gặp suy nghĩ thì lại thành điên khùng.

Chúng ta phải tìm lại chính mình, không thì cuộc sống sẽ là sự kéo lê, từng giây từng phút mọi thứ đang cố đánh thức chúng ta, nên khổ mới nhiều thế, chán thế, căng thẳng thế cho tới khi chúng ta đi đến cái tột độ. Mọi vật có hai mặt nhưng luôn luôn chúng ta chỉ nhìn một mặt, mặt còn lại nó sẽ đi vào vô thức, vào kiếp sau của chúng ta. Chúng ta cứ sinh đi sinh lại là vì chúng ta luôn chỉ sống một nửa. Do bản ngã của chúng ta chọn lựa. Khi chúng ta cứ chọn cái tốt thì nửa xấu còn lại đi đâu. Ngay khi lựa chọn, chúng ta đã đánh mất thực tại bởi thực tại cho bạn sự hoàn hảo. Thân thể và tâm trí này là tuyệt vời nhưng chỉ thiếu người chủ. Mà Thượng đế hay đùa nên giấu cái quý nhất bên trong, nếu bên ngoài thì có lẽ rất nhiều người tìm thấy nhưng nó lại là bên trong, cái gần nhất lại là cái xa nhất.

Bạn phải trở thành cỗ máy hoàn hảo được nhận biết, mà hiện tại thì con người mới được dùng dưới 10% nên bạn không thể tìm Phật được. Không ai cấm bạn dùng giác quan nhưng nó cứ ngủ. Chúng ta như tảng băng trôi, 10% nhô lên, nhưng di chuyển lại do 90% ở dưới. Bạn cũng vậy, mọi di chuyển thôi thúc đều do 90% vô thức điều khiển, nhưng cái 10% kia cứ nói là nó đang điều khiển. Bạn có tới 7 thân thể mà thân thể vật lý chỉ là một, chỉ khi cả 7 thân thể được sống thì 100% não sẽ được dùng.

Nếu bạn không khao khát sự huyền bí, không khám phá thì không có gì mở ra cả. Nhưng khi một người khao khát huyền bí thì trực giác phát triển. Khao khát đạo thì năng lượng mới chảy, sống động và năng lượng chảy trong bạn chính là năng lượng vũ trụ. Đó là khao khát đạo, rồi thì người chủ – linh hồn xuất hiện. Chúng ta vừa là người tìm kiếm vừa là cái được tìm kiếm, vừa là con đường vừa là đích đến, nên đó chính là con đường vô lộ.

— Trích ghi chép từ buổi chia sẻ của Cộng đồng Sống thiền (17/9/2016) —